LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ PHƯỚC QUANG
* Điều kiện tự nhiên:
Phước Quang là xã đồng bằng nằm về phía Bắc huyện Tuy Phước, cách Trung tâm huyện khoảng 10km, cách thành phố Quy Nhơn 18km. Phía Đông giáp xã Phước Thắng và xã Phước Hòa; phía Tây giáp với xã Phước Hưng và phường Bình Định, thị xã An Nhơn; phía Nam giáp xã Phước Hiệp; phía Bắc giáp với xã Phước Hưng; có trục đường Tỉnh lộ 636 nối từ quốc lộ 1A thuộc thị xã An Nhơn đến xã Phước Hòa chạy qua Trung tâm xã theo hướng Đông Tây, rất thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng mở cửa với các vùng phụ cận trong và ngoài huyện. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 1.083,12ha chiếm 4,98% diện tích tự nhiên toàn huyện, có 3.842 hộ dân sinh sống, với 12.011 nhân khẩu.
Xã Phước Quang được thành lập vào tháng 11/1947 sau khi thực hiện chủ trương hợp nhất 03 xã: Đồng Tâm, Phú Đức và Hoà Lạc thành 01 xã để dễ quản lý và điều hành xã hội. Sau nhiều lần thay đổi, hiện nay xã Phước Quang có tổng số 11 thôn, gồm: Tri Thiện, Phục Thiện, Lộc Ngãi, Định Thiện Tây, Định Thiện Đông, Văn Quang, Tân Điền, Quảng Điền, Luật Bình, Lương Quang và An Hoà.
Xã Phước Quang nằm ở cuối nguồn sông Kôn, có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 700ha, có tiềm năng và lợi thế rất lớn về sản xuất cây lúa. Hàng năm, cung cấp hơn 20 nghìn tấn lương thực phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương, nhân dân cả nước và xuất khẩu.
* Truyền thống cách mạng:
Phước Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, giàu lòng nhân ái, có tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong chiến đấu, học tập, lao động và sản xuất.
Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phước Quang chịu nhiều mưa bom, bão đạn, nhà cửa tan hoang, gia đình ly tán. Nhưng với tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, quân và dân xã Phước Quang vẫn giữ vững ý chí, quyết tâm chống giặc ngoại xâm, giải phóng quê nhà. Những trận đấu của quân và dân xã Phước Quang đã đi vào lịch sử các địa danh: Vườn Xoài thôn Tri Thiện, cầu Ba Bồ thôn Định Thiện Đông, cầu Tống Võ thôn Lương Quang,... Những năm tháng kháng chiến, Quân và dân Phước Quang không tiếc xương máu, của cải, vật chất cống hiến cho cách mạng, cho kháng chiến và cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những thành tích trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cán bộ và Nhân dân xã Phước Quang đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Đặc biệt, được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 2002.
* Vùng đất lịch sử - văn hoá:
Sau ngày hòa bình lập lại, từ những đống tro tàn, đổ nát của chiến tranh, Nhân dân xã Phước Quang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt tay vào khai hoang, phục hóa, xây dựng quê hương Phước Quang từng bước “thay da đổi thịt”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chấp hành Đảng bộ xã, sự quyết tâm điều hành của Chính quyền xã, sự phối hợp của Mặt trận, các Hội, Đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động và sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể nhân dân trong xã tham gia học tập, lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất làm cho nền kinh tế xã nhà không ngừng phát triển bền vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Từ những nổ lực và phấn đấu trong suốt quá trình gần 50 năm xây dựng và phát triển, Nhân dân và cán bộ xã Phước Quang đã gặt hái được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, nhất là thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; địa phương đã tập trung sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, xây dựng thành công xã nông thôn mới năm 2018; tiếp tục hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” do các cấp phát động, Phước Quang đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 và tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh trong năm 2025.
Phước Quang cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Trên địa bàn xã có 02 di tích lịch sử cấp tỉnh (Chùa Bà Nước Mặn và Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ) và 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội truyền thống: Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn), hàng năm đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan; đây là một trong những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn xã một cách bền vững. Các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn xã hoạt động rất hiệu quả.
Trong công cuộc đổi mới, Phước Quang có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất nông nghiệp được mùa; tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có tiến bộ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từng bước được xây dựng vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt các nhu cầu của tổ chức và nhân dân./.